Nhiều ý kiến đóng góp cho Dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi)

Google News

Ngày 29/12 tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) đã tổ chức hội thảo “Góp ý dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi)”.

Hội thảo với sự tham dự đại diện của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Cục Văn thư lưu trữ (Bộ Nội vụ) cùng các chuyên gia, nhà khoa học đến từ một số Hiệp hội, các đơn vị thành viên của Liên Hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên Hiệp Hội Việt Nam).
Nhieu y kien dong gop cho Du thao Luat Luu tru (sua doi)
Quang cảnh hội thảo 
Phát biểu khai mạc hội thảo, Tổng Thư ký Liên hiệp Hội Việt Nam Nguyễn Quyết Chiến nêu rõ: Tài liệu lưu trữ chính là nguồn sử liệu hết sức quý giá, đóng vai trò quan trọng trong việc nghiên cứu, hoạch định chính sách, xây dựng chiến lược, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước, của mỗi cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp...
Nhieu y kien dong gop cho Du thao Luat Luu tru (sua doi)-Hinh-2
Tổng Thư ký Liên hiệp Hội Việt Nam Nguyễn Quyết Chiến phát biểu khai mạc hội thảo 
Trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước đã rất quan tâm đến công tác lưu trữ. Năm 2011, Quốc hội đã ban hành Luật Lưu trữ (thay thế Pháp lệnh lưu trữ quốc gia năm 2001). Tuy nhiên, qua hơn 10 năm thực hiện, Luật Lưu trữ đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu của tình hình thực tiễn, nhất là với các chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước về tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử để tăng cường hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước. Do vậy, Chính phủ đã đề nghị và Quốc hội đã đồng ý đưa dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 và 2024. Tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV (tháng 10 vừa qua), Quốc hội đã xem xét cho ý kiến lần đầu và dự kiến sẽ xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 7 (vào tháng 5-2024) – Ông Nguyễn Quyết Chiến nói.
Nhieu y kien dong gop cho Du thao Luat Luu tru (sua doi)-Hinh-3
Bà Nguyễn Thị Chinh, thành viên thường trực Tổ biên tập dự án Luật Lưutrữ (sửa đổi),Cục Văn Thư lưu trữ (Bộ Nội vụ) phát biểu 
Hội thảo có 6 tham luận của các chuyên gia, các nhà khoa học đến từ Cơ quan Liên hiệp Hội Việt Nam, Hội Doanh nghiệp Lưu trữ Việt Nam, Hội Thư viện Việt Nam, Hội Thông tin Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Hội Văn thư - Lưu trữ, Bộ Tư pháp... đã đi vào các nội dung cụ thể của Dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi).
Tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Chinh, thành viên thường trực Tổ biên tập dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi), Cục Văn Thư lưu trữ (Bộ Nội vụ) cho biết, Dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) có kết cấu gồm 9 chương, 68 điều (tăng 2 chương, 26 điều so với Luật Lưu trữ năm 2011). Trên cơ sở kế thừa các nội dung còn phù hợp của Luật Lưu trữ năm 2011, dự thảo Luật có các nội dung sửa đổi, bổ sung tập trung vào 4 chính sách lớn, gồm: Quy định về thẩm quyền quản lý tài liệu lưu trữ; Quy định về lưu trữ tài liệu điện tử và tài liệu số; Quy định về hoạt động lưu trữ tư; Quy định về quản lý hoạt động dịch vụ lưu trữ.
Nhieu y kien dong gop cho Du thao Luat Luu tru (sua doi)-Hinh-4
Bà Vũ Hồng Mây - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư kýHội Văn thư - Lưu trữđề nghị Ban soạn thảo cần cân nhắc về vấn đề lưu trữ tài liệu cấp xã, quyền quản lý của Chủ tịch UBND tỉnh về tài liệu lưu trữ cấp xã bởi quá trình thực thi trong thời gian qua cho thấy là chưa phù hợp và không thực hiện được… 
Theo ông Phạm Văn Tân, nguyên Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên hiệp Hội Việt Nam, về kinh phí cho hoạt động lưu trữ, khoản 1 Điều 61 quy định: “Kinh phí hoạt động lưu trữ của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân do ngân sách nhà nước bảo đảm”.Tuy nhiên, trên thực tế, trong mục ngân sách chưa có mục cụ thể riêng cho hoạt động lưu trữ nằm trong khoản chi thường xuyên phân bổ kinh phí hàng năm cho các cơ quan, tổ chức. Hiện tại, chi thường xuyên của các cơ quan, tổ chức chủ yếu phục vụ các công việc khác, không dành cho hoạt động lưu trữ dẫn đến tình trạng tồn đọng, chưa được chỉnh lý, lựa chọn để nộp vào lưu trữ cơ quan, lưu trữ lịch sử. Để bảođảm tính khả thi các quy định của Luật Lưu trữ trên thực tế khi ban hành, đề nghị cần quy định rõ mục lục ngân sách cấp cho hoạt động lưu trữ của các cơ quan, tổ chức.
Ông Nguyễn Hữu Giới - Chủ tịch Hội Lưu trữ Việt Nam cho rằng: Những căn cứ để xây dựng dự án Luật sửa đổi lần này khá đầy đủ và rõ ràng, đã cụ thể hóa chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về lưu trữ, đổi mới trong hoạt động quản lý và thực hiện các nghiệp vụ về lưu trữ, khắc phục những bất cập, hạn chế trong thực tiễn công tác lưu trữ hiện nay cũng như ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, toàn diện và hội nhập quốc tế.
Tuy nhiên theo ông Giới, Ban soạn thảo cần bổ sung đối tượng áp dụng vào trong Luật, cũng cần lưu trữ truyền thống thay vì chỉ lưu trữ số bởi chính sách của Nhà nước là phải “Xây dựng nền lưu trữ Việt Nam hiện đại, ngang tầm thế giới đáp ứng yêu cầu Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số” chứ không nên chỉ chú trọng xây dựng nền lưu trữ số Việt Nam hiện đại mà ít quan tâm đến lưu trữ truyền thống (bằng tài liệu giấy, các vật mang tin khác) có từ hàng vài trăm năm nay.
Nhieu y kien dong gop cho Du thao Luat Luu tru (sua doi)-Hinh-5
Đại biểu tham dự hội thảo 
Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Lưu trữ Việt Nam Đinh Thế Vinh bày tỏ sự đồng tình và nhất trí cao với dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi). Tuy nhiên, điểm a và b khoản 1 điều 56 quy định: “Bộ Nội vụ hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra việc quản lý hoạt động dịch vụ lưu trữ trong phạm vi toàn quốc. UBND cấp tỉnh, cấp huyện hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra quản lý hoạt động dịch vụ lưu trữ theo thẩm quyền quản lý”. Như thế một dự án, một hoạt động dịch vụ lưu trữ có đến ba cấp quản lý có thể thanh tra, kiểm tra từ Bộ Nội vụ, UBNDcấp tỉnh, UBND cấp huyện. Theo ông Vinh, cần tách bạch giữa hướng dẫn và thanh tra, kiểm tra quản lý hoạt động dịch vụ lưu trữ vì nếu quy định không cẩn thận sẽ dẫn đến sự chồng chéo trong việc thanh tra, kiểm tra giữa các cơ quan quản lý nhà nước, tạo áp lực cho cá nhân tổ chức tham gia hoạt động dịch vụ lưu trữ, dễ phát sinh tiêu cực.
Kết thúc hội thảo, Tổng Thư ký Liên hiệp Hội Việt Nam Nguyễn Quyết Chiến bày tỏ hoan nghênh các ý kiến đóng góp hết sức sâu sắc, tâm huyết và cho biết Liên hiệp Hội Việt Nam sẽ tổng hợp để gửi tới các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi), trình Quốc hội xem xét vào kỳ họp tới.
Theo L.H/VUSTA

>> xem thêm

Bình luận(0)